Biểu dương những tấm gương trong dạy, học và phòng chống dịch bệnh
Theo moet.gov.vn - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ biểu dương những tấm gương học sinh, sinh viên, giáo viên tích cực học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động tình nguyện phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Các giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) tình nguyện đến trường để nấu hàng trăm suất ăn cho người cách ly. Ảnh: VietnamNet
Tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra sáng nay 7/4, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã biểu dương những tấm gương học sinh, sinh viên, giáo viên tích cực học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động tình nguyện phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo Bộ trưởng những tấm gương như em Lầu Mí Xá, sinh viên năm 3 của Học viện Hành chính quốc gia dựng lán học online giữa núi rừng, cô giáo Đoàn Thị Hồng Lương (Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Hải Phòng) viết đơn tình nguyện xin ra thực hiện chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, hay những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đang tình nguyện làm đầu bếp tại các khu cách ly và còn rất nhiều hành động ý nghĩa khác trên cả nước đã cho thấy hình ảnh đẹp về ngành Giáo dục. “Những tấm gương như vậy cần được phát hiện và biểu dương kịp thời” – Bộ trưởng nhấn mạnh. Bộ trưởng mong rằng, mỗi học sinh, sinh viên, giáo viên toàn ngành tiếp tục thể hiện tinh thần tích cực trong dạy và học, tinh thần tình nguyện, đóng góp cùng cả nước trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Kịp thời nắm bắt khó khăn, đề xuất chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục
Trong tuần qua, Bộ GD&ĐT đã kịp thời ban hành hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020 đối với cấp tiểu học, THCS và THPT; xây dựng và công bố đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia 2020. Các nội dung trên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận, tạo sự yên tâm trong dạy và học đối với học sinh, thầy cô trên cả nước. Trước đó, hướng dẫn về dạy học qua internet, trên truyền hình đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên năm học 2019-2020 cũng đã được Bộ GD&ĐT ban hành.
Theo Bộ trưởng, sau khi ban hành văn bản, việc quan trọng là cần tập trung nắm bắt các vướng mắc, khó khăn của cơ sở trong thực tế triển khai, để hướng dẫn, gỡ khó cho cơ sở trong thẩm quyền; hướng dẫn địa phương chỉ đạo thầy trò dạy học, ôn tập tốt theo đề thi tham khảo.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc Bộ GD&ĐT chủ động lên kế hoạch để xây dựng kho bài giảng, học liệu từ lớp 1 đến lớp 12 đủ các môn theo nội dung tinh giản; kêu gọi sự đóng góp của các địa phương và Bộ sẽ thẩm định, sàng lọc; sử dụng phát trên các kênh truyền hình quốc gia để giáo viên tham khảo, học sinh học tập. Cùng với đó, xây dựng mô hình lớp học online chuẩn tại một số địa phương, để từ đó có thể nhân rộng ra cả nước. Việc dạy học trực tuyến cần được đặc biệt đẩy mạnh ở khối giáo dục đại học, như một giải pháp dài hạn để tạo đột phá trong giáo dục đại học tới đây.
Chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, hiện các địa phương đã và đang xây dựng để ban hành tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa mới với lớp 1. Việc này, Bộ trưởng lưu ý phải bảo đảm chất lượng và tiến độ; việc tập huấn giáo viên ưu tiên trước hết đối với lớp 1, kể cả đối tượng chủ chốt và đại trà; tăng cường hơn nữa tập huấn theo hình thức trực tuyến.
Vấn đề tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục và giáo viên trong thời kỳ dịch bệnh cũng được người đứng đầu ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục quốc dân. Về cơ bản các kiến nghị, chính sách của ngành giáo dục đang được Chính phủ tổng hợp chung để xem xét phê duyệt, sớm ban hành làm căn cứ pháp lý để thực hiện. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành có liên quan để các chính sách trên sớm được ban hành nhanh nhất, áp dụng được ngay, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục.