Đóng lại
Thăm dò ý kiến
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến về đảm bảo an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường

Sáng 17/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ). Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.

 

Dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh có đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các sở ngành liên quan. 
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo ban hành khá đầy đủ: Luật Giáo dục 2005, Luật trẻ em 2016 quy định các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ khỏi bạo lực học đường… Riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có nhiều Thông tư, văn bản, chỉ thị về nội dung này, mới đây nhất là Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục. Qua đó, đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục trong toàn quốc bảo đảm tốt an ninh, an toàn trường học; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường…

Tuy nhiên, bạo lực học đường có xu hướng lan rộng, cá biệt có một số vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội. Nguyên nhân là do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, ảnh hưởng ngoại lai văn hóa nước ngoài; sự bùng nổ internet, mạng xã hội, thông tin xấu độc, kích động tràn lan trên mạng xã hội tiêm nhiễm từ từ đến quá trình hình thành đạo đức nhân cách…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời thống nhất triển khai các giải pháp hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó chú trọng vào các giải pháp như tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên kiêm nhiệm tư vấn tâm lý; tăng cường thanh, kiểm tra việc triển khai đảm bảo an toàn trường học; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của học sinh, giáo viên khi có vụ việc bạo lực học đường xảy ra; ký cam kết phối hợp giáo dục, quản lý giữa gia đình với nhà trường trong quản lý, giáo dục học sinh; cho học sinh ký cam kết không vi phạm tệ nạn xã hội, bạo lực học đường; đưa chương trình kỹ năng sống vào giảng dạy…

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị toàn ngành tập trung thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường, cụ thể hóa kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường trong nhiệm vụ của nhà trường ở tất cả các cấp học từ mầm non đến phổ thông. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống bạo lực học đường, nhất là thực hiện nghiêm túc chủ trương của ngành, đình chỉ đứng lớp đối với những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.

Đối với các cơ sở giáo dục phải thường xuyên thực hiện công tác tư vấn, trợ giúp người học; trao đổi thông tin với gia đình người học và cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống cá nhân. Thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, quy định cụ thể mối quan hệ, ứng xử đúng mực, thân thiện giữa cán bộ, nhà giáo, nhân viên và học sinh. Đồng thời giới thiệu, nhân rộng các mô hình, tấm gương về làm tốt công tác ngăn ngừa, phòng, chống bạo lực học đường...


Tác giả: Cổng thông tin UBND tỉnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 42
Tháng 10 : 472
Tháng trước : 4.377