Để học online không còn là nỗi lo của phụ huynh và học sinh
Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho học sinh, trên 40 tỉnh/thành đã quyết định lùi thời gian đến trường sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu. Với tinh thần "tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học", nhiều phụ huynh và thầy cô đang tích cực chuẩn bị hành trang cho con em học tập trong tình hình mới.
Cần thích ứng để phù hợp thực tế
Loay hoay cài đặt ứng dụng Zoom vào chiếc Ipad mới mua, chị Phan Thị Huyền Trang - một phụ huynh có con đang học lớp 2 (Tam Nông - Phú Thọ) - chia sẻ, dù việc học online còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thấy đây là việc làm cần thiết để "chiến đấu" với dịch COVID-19 nên cả gia đình đều đang thích nghi.
"Con tôi năm nay học lớp 1. Hai vợ chồng đều làm công nhân, kinh tế cũng không thoải mái. Mấy ngày nay, hai vợ chồng đang tính đến phương án con phải học online do dịch bệnh còn phức tạp nên gom tiền mua 1 chiếc Ipad để cháu học bài. Bà nội thời gian này cũng được "đào tạo" sử dụng thiết bị công nghệ và cách sử dụng Zoom để kèm các cháu học, trong thời gian hai vợ chồng tôi đi làm" - chị Trang cho biết.
Còn theo chị Hoàng Thị Thúy Hằng (giáo viên Trường THPT Hồng Đức - tỉnh Hải Dương), dù việc dạy và học online còn đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên kết quả cuối cùng vẫn là sự tâm huyết của đội ngũ giáo viên, sự vào cuộc của gia đình và nỗ lực ở bản thân học sinh.
"Với giáo dục, việc dạy và học giai đoạn này rất căng thẳng. Căng thẳng nhất là đội ngũ quản lí và giáo viên trực tiếp đứng lớp, sau đó là các bậc phụ huynh.
Tôi thấy hình thức dạy và học nào cũng thế, chỉ hiệu quả với người nghiêm túc. Chúng tôi đã dạy và kiểm tra chất lượng học sinh sau học trực tuyến. Qua quá trình đó, em nào nghiêm túc vẫn đảm bảo tương đối chất lượng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải khẳng định, việc dạy trực tuyến bước đầu chưa thể đồng đều và tốt như phương thức dạy học truyền thống được. Nhưng do hoàn cảnh bắt buộc, phụ huynh và học sinh cần tự thích nghi. Bản thân giáo viên chúng tôi cũng phải tự điều chỉnh, cả về nghiệp vụ, kĩ năng sử dụng máy tính, soạn giáo án điện tử, sử dụng phần mềm...
Làm sao để đảm bảo chất lượng cho các em sau dịch? Làm sao để các em cảm thấy việc học vẫn nghiêm túc và hiệu quả như khi học trực tiếp... là những điều chúng tôi cần tìm tòi, hoàn thiện" - cô Hằng tâm sự.
Nên đa dạng hóa phương pháp dạy học online
Chia sẻ về quá trình dạy học online tại miền núi, thầy Nguyễn Tuấn Phong - giáo viên dạy môn toán Trường THCS Mường Báng (huyện Tủa Chùa - tỉnh Điện Biên) - nói rằng, gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên việc dạy học online không phải không thể.
"Có thể kể sơ qua một số khó khăn như mạng Internet còn hạn chế, máy móc để học chưa có, các em lại ít được gia đình quan tâm chuyện học hành, ra Tết phải làm ruộng nương rất nhiều... Nhìn vào đây thì đúng là bất khả thi. Tuy nhiên, cũng có những cách để khắc phục.
Thời gian qua, trường tôi cũng đào tạo giáo viên để dạy online. Giáo viên cố gắng đa dạng hóa phương pháp dạy để giúp học sinh thích nghi.
Chúng tôi thường dạy bằng cách quay video và đưa lên YouTube để các em có thể theo dõi. Hoặc hữu hiệu nhất, tôi thấy một số đài truyền hình tổ chức các lớp học. Trên này, máy tính không có nhưng tivi thì rất nhiều. Đương nhiên là việc phát vào khung giờ nào cũng nên xem xét, vì ban ngày đa số các em vùng cao đều đi làm nương phụ giúp bố mẹ" - thầy Phong nói.
Đồng quan điểm, TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) - cho rằng, việc dạy học online nên linh hoạt, cần chú ý đến vùng sâu, vùng xa, nơi có khả năng tiếp cận công nghệ kém.
"Trong dịch bệnh, ngành Giáo dục có thể nhìn ra đó là cơ hội để bản thân có sự chuyển đổi, tạo ra những mô hình học tập mới, mô hình tổ chức trường học mới và phải bắt đầu từ thay đổi tư duy, học cách thích nghi với điều kiện mới, tình hình mới của cả học sinh, giáo viên và phụ huynh" -TS Quách Tuấn Ngọc chia sẻ thêm.