Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 11
Tháng 10 : 39
Năm 2021 : 1.179
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”

Năm học 2019-2020 có thể nói là một năm học đặc biệt, đầy khó khăn với ngành Giáo dục, bởi năm học diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài gần 1 năm qua, và chưa có dấu hiệu kết thúc. Tuy nhiên, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ năm học đã đề ra. Cổng thông tin điện tử Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hiệp Hòa đăng lại toàn văn nội dung bài viết của đồng chí Trần Tuấn Nam - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang nhân dịp ngành giáo dục toàn tỉnh bước vào năm học mới 2020-2021 (sgd.bacgiang.gov.vn)

Một năm học đặc biệt và đầy khó khăn

Nói năm học 2019-2020 là một năm học đặc biệt và khó khăn bởi lẽ dịch bệnh kéo dài khiến học sinh không thể đến trường vì phải giãn cách xã hội. Học sinh mầm non, tiểu học, THCS phải nghỉ học tròn 3 tháng, từ đầu tháng 2 đến hết 02/5/2020; học sinh THPT nghỉ hơn 01 tháng, đi học trở lại rồi cũng phải tạm dừng đến trường. Điều đó đồng nghĩa với các hoạt động giáo dục phải tạm dừng lại hoặc không tổ chức (dừng tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, chưa tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020 cấp ngành và tuyên dương học sinh giỏi quốc gia năm học 2019-2020,...). Thời gian năm học phải kéo dài thêm 1,5 tháng đến 15/7/2020 mới kết thúc; các kỳ thi như thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh lớp 10 phải hoãn lại, lùi thời gian. Đặc biệt, đến sát ngày thi tốt nghiệp cuối tháng 7/2020 thì dịch bất ngờ bùng phát trở lại, lây lan trong cộng đồng, trong đó xuất hiện ca nhiễm tại Bắc Giang, ảnh hưởng trực tiếp đến kỳ thi. Bộ GD&ĐT đã phải quyết định tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt; Bắc Giang có 18 thí sinh thuộc vùng cách ly y tế phải thi đợt 2 vào ngày 03-04/9/2020 - ngay sát ngày khai giảng năm học mới. Nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp khó khăn; hơn 3000 nhà giáo và người lao động của Bắc Giang không có việc làm, thu nhập. Rất nhiều cán bộ quản lý, giáo viên không có nghỉ hè, vì phải tham gia các kỳ thi suốt từ 16/7 đến tháng 9/2020; đồng thời phải chuẩn bị nhiều nội dung cho khai giảng năm học mới.

Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9. Đây cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13; năm các cấp, các ngành đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020, Đại hội thi đua yêu nước các cấp, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10. Nhưng vì đại dịch Covid-19 tất cả các sự kiện trọng đại trên đều phải giảm quy mô, hình thức. Vấn đề an toàn trong phòng dịch được đặt lên hàng đầu, đúng như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Chống dịch như chống giặc! Khó khăn của ngành Giáo dục cũng nằm trong khó khăn chung của đất nước khi bị đặt trong tình trạng cảnh báo dịch bệnh toàn cầu.

Nhưng đây cũng là năm học rất quan trọng với ngành Giáo dục: Tập trung cao chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới Chương trình GDPT mới bắt đầu từ lớp 1 năm học 2020-2021.

Nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ

Trong điều kiện hết sức khó khăn trong khó khăn chung của toàn ngành, của cả nước vì dịch Covid-19, song, ngành Giáo dục Bắc Giang đã nỗ lực, chủ động và quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm học.

Nhìn lại một năm đầy biến động và khó khăn, có thể thấy toàn ngành vẫn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu với 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp đã đề ra, tương đương với 14 chỉ tiêu thi đua do Bộ GD&ĐT đánh giá. Có thể điểm lại một số kết quả nổi bật như sau:

Một là: Công tác tham mưu, phối hợp được toàn ngành thực hiện tốt. Trong năm học, ngoài các kế hoạch phát triển GD&ĐT giai đoạn 2020-2025 theo lộ trình đổi mới (Kế hoạch phát triển giáo dục mầm non, Kế hoạch đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông,..), cSở GD&ĐT đã phối hợp với các ngành, các địa phương tham mưu Lãnh đạo tỉnh ban hành 02 văn bản quy phạm pháp luật nhằm đưa hoạt động quản lý tài chính, vấn đề thu chi trong trường học vào nền nếp, kỷ cương, minh bạch và dân chủ. Đó là (1) Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 09/7/2020 Quy định mức thu học phí, mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), phổ thông và giáo dục thường xuyê (GDTX) công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; (2) Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND ngày 24/8/2020 của UBND tỉnh Quy định cơ chế thu, quản lý và sử dụng các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở GDMN, phổ thông và GDTX công lập trên địa bàn tỉnh. Đây là vốn vấn đề từng gây bức xúc nhiều năm trong xã hội mà chưa được giải quyết triệt để. Từ nay, tất cả các khoản thu trong nhà trường đều được quy định rõ, các nhà trường sẽ không được đặt ra bất kỳ khoản thu nào ngoài quy định.

Hai là: Duy trì kết quả phổ cập giáo dục các cấp học trong nhóm các tỉnh dẫn đầu khu vực và toàn quốc, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện 10/10 huyện, thành phố của tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ và và phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, trong đó huyện Yên Dũng và thành phố Bắc Giang đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.

Ba là: Cho dù dịch Covid-19 có làm gián đoạn quá trình dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục, song toàn ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó kịp thời, điều chỉnh nội dung, chương trình, kế hoạch thời gian năm học phù hợp; nỗ lực tổ chức các hình thức tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng GV, dạy học trực tuyến và nhiều hình thức dạy học khác để bảo đảm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cơ bản cho học sinh. Có thể nói từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, hầu hết các hoạt động hội họp, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, triển khai nhiệm vụ đều diễn ra dưới hình thức trực tuyến, vửa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa tăng số lượng người dự và bảo đảm phòng, chống Covid-19 hiệu quả. Đặc biệt đã xây dựng và triển khai hoạt động dạy học trực tuyến bước đầu khá hiệu quả ở một số đơn vị. Dạy học trực tuyến thực chất là một giải pháp tình thế của ngành Giáo dục để đối phó với dịch Covid-19 nhằm bảo đảm phương châm: Học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Qua hình thức này, học sinh vẫn được học; giáo viên vẫn được dạy học; đây là cơ hội đề ngành Giáo dục và mỗi giáo viên nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, khai thác các hình thức dạy học khác truyền thống để hoàn thành nhiệm vụ. Dạy học trực tuyến đang trở thành một phương thức dạy học mới trong thời đại 4,0, một xu thế tất yếu, và Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu để có hành lang pháp lý chính thức công nhận hình thức dạy học trong xu thế mới này.

Bốn là: Toàn ngành vẫn hoàn thành chương trình đúng kế hoạch, chất lượng giáo dục toàn diện vẫn được duy trì; chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên, kết quả bồi dưỡng HS giỏi quốc gia xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, vẫn tổ chức được các kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh năm học 2019-2020, thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tuyển sinh năm học 2020-2021 an toàn, đúng quy chế và đảm bảo mọi quyền lợi của học sinh. Kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 có nhiều thay đổi trong bối cảnh khó khăn vì quá trình học tập bị gián đoạn, song tỷ lệ tốt nghiệp THPT sơ bộ vẫn vượt chỉ tiêu (97% - đạt 99,16%). Đối sánh kết quả thi và kết quả học tập khá tương xứng, không có quá bất thường. Điểm trung bình các môn khá cao, bằng và cao hơn mặt bằng chung toàn quốc. Bắc Giang xếp thứ 19/63 tỉnh, thành về điểm trung bình các môn thi. Đặc biệt, toàn tỉnh có 228 bài thi đạt điểm 10, tăng 194 bài so với năm 2019; có 4 em được 2 điểm 10. Trong thi học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều đơn vị vẫn duy trì được phong độ tốt trong nhiều năm, nhiều đơn vị đột khởi như THPT Yên Thế, Yên Dũng số 3, Bố Hạ, Lạng Giang 1, Tân Yên 1, Ngô Sĩ Liên, Lục Nam,... phòng GDDT thành phố, Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Việt Yên,...

Năm là: Việc chuẩn bị các điều kiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT được triển khai chủ động, tích cực, bài bản, khoa học và đúng tiến độ. Việc phối hợp với các ngành, các địa phương được thực hiện tốt, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, các ngành tích cực ủng hộ, đầu tư, tăng cường. Đến nay các huyện, thành phố đều sẵn sàng các điều kiện đổi mới chương trình lớp 1 (lựa chọn các bộ SGK, tập huấn tài liệu giáo dục địa phương; chuẩn bị cơ sở vật chất, trường, lớp, thiết bị dạy học, đội ngũ, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên,..). Nhiều huyện, thành phố quan tâm, đầu tư nhiều tỷ đồng xây mới trường học, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học đồng bộ và hiện đại,... (Phân hiệu 2 của Tiểu học Đông Thành (Thành phố Bắc Giang), Mầm non Lan Mẫu (Lục Nam), THCS Nham Biền 2 (Yên Dũng),... Một chỉ tiêu pháp lệnh của ngành Giáo dục được tỉnh giao trong năm là tỷ lệ trường học chuẩn quốc gia đạt 89,9%, ước hết năm 2020 đạt trên 90%, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Sáu là: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện đúng với chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Toàn ngành đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh: Vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục, duy trì các hoạt động giáo dục. Đặc biệt, toàn ngành đã ủng hộ bằng tiền mặt và các nhu yếu phẩm cho công tác phòng chống dịch trị giá 3,8 tỷ đồng, nhiều đơn vị ủng hộ số tiền lớn trên 30 triệu đồng; ủng hộ hơn 3000 nhà giáo khó khăn với tổng số tiền 2,6 tỷ đồng. Số tiền đến với mỗi nhà giáo không lớn, song thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau của cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành. Có rất nhiều hành động đẹp trong mùa dịch được biểu dương, truyền thông rộng rãi.

Như vậy, có thể khẳng định, trong một năm đầy biến động và khó khăn, nhưng năm học này vẫn là một năm học khá thành công của giáo dục Bắc Giang. Đây là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ nhà giáo, cán bộ, nhân viên, HSSV toàn ngành; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự ủng hộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân đã luôn đồng hành cùng Ngành giáo dục trong những năm qua.

Vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, hạn chế, tồn tại

Bên cạnh những kết quả rất đáng khích lệ, với tinh thần trung thực, cầu thị và lắng nghe, ngành Giáo dục nhận thấy còn không ít hạn chế, tồn tại, yếu kém đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành cần nhìn thẳng vào thực tế để cùng tìm ra giải pháp tháo gỡ. Có những hạn chế nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm vì rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, như: khó khăn về thiếu giáo viên mầm non, tiểu học; về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đủ đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày; những yếu kém trong công tác quản lý điều hành, kỷ cương, nền nếp trường lớp học; chất lượng thi tốt nghiệp THPT, chất lượng trường THCS đạt chuẩn quốc gia; chất lượng dạy học trực tuyến, chất lượng công tác truyền thông còn hạn chế...

“Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”

Năm học 2020-2021 là năm học chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp: kết thúc các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025. Rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ mới, đòi hỏi ngành phải xây dựng tổng kết thực hiện kế hoạch giai đoạn trước, tiếp tục tham mưu lãnh đạo địa phương ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn theo mục tiêu đại hội. Đây là năm học ngành Giáo dục bắt đầu triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT mới đối với lớp 1, nhưng cũng đồng thời phải song song chuẩn bị các điều kiện cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa đổi với lớp 2 và lớp 6 cho năm học sau. Nhưng đây tiếp tục là một năm sẽ còn khó khăn với ngành Giáo dục khi dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu kết thúc, vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.

Theo định hướng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp chủ yếu theo Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT ngày 24/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục. Trong đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện tốt mục tiêu sau:

Một: Duy trì kỷ cương, nền nếp trường, lớp học; tăng cường an ninh, an toàn trường học, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương; chú trọng xây dựng văn hóa học đường, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, y tế trường học cho GV và HSSV. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng thực chất và bền vững; duy trì vững chắc chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn.

Hai: Chủ động tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển GD&ĐT giai đoạn 2020-2025 phù hợp với địa phương.

Ba: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” với quyết tâm “khó khăn gấp đôi thì nỗ lực gấp ba” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Vừa duy trì kỷ cương, nền nếp, nâng cao chất lượng dạy và học, vừa tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về các giải pháp phòng, chống Covid-19 trong trường học; giáo dục cán bộ, GV, NV và HSSV ý thức tự phòng dịch Covid-19; có thói quen và cách ứng xử mới trong trạng thái sống chung với dịch Covid-19 bảo đảm xây dựng môi trường giáo dục an toàn.

Bốn: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đối với Giáo dục mầm non, triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch phát triển GDMN giai đoạn 2020-2025; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ. Quản lý chặt chẽ cơ sở mầm non tư thục. Đối với GDPT triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện chương trình GDPT theo đúng lộ trình; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho việc đổi mới chương trình GDPT đối với lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022. Đối với giáo GDTX tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm GDTX-NN,TH tỉnh; tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tư vấn du dọc, kỹ năng sống, tin học, đào tạo từ xa.

Toàn ngành tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp chủ yếu, phấn đấu duy trì và nâng cao hơn nữa kết quả và thứ hạng giáo dục Bắc Giang so với cả nước. Có lẽ, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vẫn cần tiếp tục thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong “Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, HSSV nhân dịp bắt đầu năm học mới” - bức thư cuối cùng Người gửi ngành giáo dục nước nhà năm 1968: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” (Báo Nhân Dân, ngày 16-10-1968).

                                                                                                                                                                                                               Trần Tuấn Nam, TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Video Clip
Văn bản mới
Tài liệu mới