Bắc Giang: Chuẩn bị các phương án sẵn sàng cho năm học mới 2020-2021
Ban biên tập Cổng thông tin điện tử Phòng GD&ĐT Hiệp Hòa đăng nguyên văn nội dung bài phỏng vấn của phóng viên Báo Bắc Giang với đồng chí Bạch Đặng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang về công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới 2020-2021. (được đặng trên sgd.bacgiang.gov.vn)
Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là tới ngày tựu trường năm học 2020-2021 đối với các cấp học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang - ngày 01/9/2020. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diến biến rất khó lường, một số địa phương vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội. Việc tổ chức cho học sinh đến trường chuẩn bị cho khai giảng năm học mới đang là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Ngành Giáo dục sẽ có phương án, kịch bản như thế nào cho triển khai nhiệm vụ năm học mới, nhất là việc chuẩn bị đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp? Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Bắc Giang đã có cuộc phỏng vấn ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT. BBT website Sở GD&ĐT xin đăng lại toàn văn cuộc phỏng vấn này để bạn đọc được rõ.
Các em HS lớp 1 năm học 2019-2020 trường TH TT Thắng, Hiệp Hòa tươi vui bước vào ngôi trường mới. Ảnh: VGP/Hải Minh
“Phóng viên: Thưa ông, việc đến trường trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, xin ông/bà cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn các trường có những giải pháp (trước mắt và lâu dài) để tổ chức lễ khai giảng, triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 ra sao để bảo đảm an toàn cho thầy cô và học sinh cũng như chương trình năm học?
Ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Hiện nay dịch bệnh Covid-19 diến biến rất khó lường, bất ngờ bùng phát trở lại vào cuối tháng 7, ngay sát kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, buộc ngành giáo dục phải có những ứng phó linh hoạt, kịp thời, bảo đảm các mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT và các công việc chuẩn bị tổng kết. Hiện nay, ngành Giáo dục đang hoàn thành việc chấm thi và chuẩn bị các điều kiện cho tổng kết năm học 2019-2020 và khai giảng năm học mới 2020-2021. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1511/QĐ-UBND ngày 30/7/2020 về việc ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2020-2021, theo đó ngày tựu trường các cấp học là ngày 01/9/2020, muộn hơn những năm trước khoảng nửa tháng; ngày khai giảng thống nhất trong toàn quốc là ngày 05/9/2020; ngày bắt đầu kế hoạch dạy học với tất cả các cấp học là ngày 07/9/2020.
Hiện ngành Giáo dục đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tổ chức tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021, dự kiến vào cuối tháng 8/2020, ngay sau khi Bộ GD&ĐT tổ chức tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021. Hình thức: trực tiếp, hoặc nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn và phòng, chống dịch, ngành sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố cũng sẽ tổ chức hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới.
Về lễ khai giảng năm học mới 2020-2021, hiện tại ngành đang chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Căn cứ vào chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh, ngành sẽ hướng dẫn các nhà trường tổ chức khai giảng đúng ngày 05/9/2020 bảo đảm ngắn gọn, trang trọng và tuyệt đối an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên. Trước mắt, ngành đã chỉ đạo các nhà trường hoàn thành công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp, chuẩn bị cơ sở vật chất, trường, lớp, thiết bị dạy học, đội ngũ để chuẩn bị cho năm học mới. Đặc biệt, sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Về lâu, dài, nếu dịch vẫn diến biến phức tạp, ngành sẵn sàng chỉ đạo tổ chức dạy học trực tuyến và các hình thức khác để bảo đảm học sinh “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”; vì từ tháng 4/2020, ngành đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện hạ tầng để tổ chức dạy học trực tuyến; các nhà trường đã và đang triển khai hình thức họp, tập huấn chuyên môn, dạy học trực tuyến dưới nhiều hình thức khá hiệu quả.
Tất nhiên, chúng ta hy vọng trong thời gian tới, dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt và ngành Giáo dục có thể tổ chức được lễ khai giảng theo hình thức truyền thống để học sinh được dự ngày khai trường thực sự là “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”.
Ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Năm học 2020-2021, toàn tỉnh Bắc Giang có 38.022 học sinh vào học lớp 1 và theo kế hoạch thì 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, 100% trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1.
Phóng viên: Vừa qua, khi đăng ký cho con học lớp 1 tại trường tiểu học, phụ huynh được phát phiếu đăng ký mua sách giáo khoa và sách bài tập lớp 1. Điều khiến họ băn khoăn là giá sách cao gấp nhiều lần so với năm học trước ngoài ra còn có rất nhiều loại sách bài tập khác. Vậy, xin ông/bà cho biết, những sách bắt buộc mua đối với học sinh lớp 1 là gì và loại sách nào không bắt buộc phụ huynh phải mua?
Sở GD&ĐT có hướng dẫn các trường triển khai việc cung ứng SGK như thế nào để phụ huynh mua đúng, đủ loại sách cần thiết cho con em mình học tập?
Ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Năm học 2020-2021, thực tế giá sách giáo khoa lớp 1 tăng hơn so với năm học trước, từ 54.000 đồng/bộ lên khoảng 180.000 đồng/bộ. Trước việc sách giáo khoa tăng, Sở GD&ĐT đã có Công văn số 648/SGDĐT-GDTH ngày 16/6/2020 hướng dẫn các trường cung ứng sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021. Theo đó, học sinh lớp 1 cần mua các sách: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Đạo Đức, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục Thể chất, Hoạt động trải nghiệm và vở Tập viết. Các trường có trách nhiệm thông báo đến phụ huynh sách giáo khoa cần dùng để phụ huynh có thể chủ động tự mua, nếu trường hợp không mua thì có thể đăng kí với nhà trường để cung ứng. Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các trường mua một số bộ sách giáo khoa dùng chung để cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn.
Đối với vở bài tập: Căn cứ vào Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT ngày 07/7/2014 của Bộ GD&ĐT Quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Hiệu trưởng có trách nhiệm "Thông báo cho cán bộ, giáo viên, học sinh về danh mục, số lượng xuất bản phẩm tham khảo tối thiểu đã được cơ sở giáo dục lựa chọn, sử dụng; tổ chức tư vấn cho học sinh và cha mẹ học sinh trong việc lựa chọn, mua xuất bản phẩm tham khảo theo nhu cầu riêng". Như vậy đối với vở bài tập tham khảo, hiệu trưởng trao đổi, tư vấn với phụ huynh để mua đúng loại vở cần dùng cho học sinh là cần thiết trước khi vào năm học mới nhằm tránh phụ huynh mua phải tài liệu tham khảo không đúng. Còn việc khi mua vở bài tập tham khảo nhờ nhà trường mua hay tự mua là quyền quyết định của phụ huynh.
Phóng viên: Nhiều phụ huynh phản ánh những năm học trước, con em họ (học tiểu học) cũng mua sách bài tập theo danh mục các loại sách mà nhà trường giới thiệu, song khi hết năm học có nhiều cuốn vẫn mới tinh hoặc sử dụng rất ít. Ý kiến của ông/bà ra sao trước vấn đề phụ huynh quan tâm?
Ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Khi phụ huynh mua cho con em những vở bài tập tham khảo theo sự tư vấn của nhà trường thì trách nhiệm của Hiệu trưởng là phải chỉ đạo giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng trong các giờ học trên lớp, ngoài ra giáo viên phải phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn, đôn đốc học sinh sử dụng vở bài tập ở nhà cho hiệu quả. Trường hợp hết năm học có những cuốn vở bài tập vẫn mới tinh hoặc sử dụng rất ít như phản ánh của phụ huynh thì vấn đề này thuộc trách nhiệm của Hiệu trưởng và giáo viên của nhà trường. Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo các phòng GD&ĐT thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vở bài tập của học sinh hiệu quả. Chúng tôi cũng đề nghị các bậc phụ huynh luôn quan tâm, phối hợp với giáo viên để làm tốt vấn đề này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện Phóng viên Kim Hiếu”
Theo sgd.bacgiang.gov.vn